Công dụng Ổi

Làm thực phẩm

Quả ổi có thể được ăn tươi hoặc chế biến thành mứt đông hay đồ hộp nước ổi. Tuỳ theo từng giống ổi mà quả ổi chín có thể có vị ngọt hay chua.

Làm thuốc

Các bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, quả, vỏ rễ và vỏ thân đều được dùng để làm thuốc. Nghiên cứu dược lý cho thấy dịch chiết các bộ phận của cây ổi đều có khả năng kháng khuẩn, làm săn se niêm mạc và cầm đi lỏng.[4]

Theo dược học cổ truyền, lá ổi vị đắng sáp, tính ấm, có công dụng tiêu thủng giải độc, thu sáp chỉ huyết; quả ổi vị ngọt hơi chua sáp, tính ấm, có công dụng thu liễm, kiện vị cố tràng; các bộ phận của cây ổi thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tiết tả (đi lỏng), cửu lỵ (lỵ mạn tính), viêm dạ dày ruột cấp tính và mạn tính, thấp độc, thấp chẩn, sang thương xuất huyết, tiêu khát (tiểu đường), băng huyết...[4]

Các bài thuốc dân gian từ cây ổi được sử dụng ở Việt Nam, Trung Quốc, Hawaii, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Caribe, Tây Phi...

Nước ép trái ổi hoặc nước sắc lá ổi rất có lợi trong việc giảm ho, trị cảm, đồng thời có tác dụng “dọn dẹp” hệ hô hấp. Thịt của quả ổi chứa rất nhiều vitamin và sắt, nhờ đó có tác dụng ngăn ngừa bệnh cảm và các trường hợp bị nhiễm siêu vi; giúp cải thiện cấu trúc da và ngăn ngừa các bệnh về da tốt hơn bất cứ loại mĩ phẩm nào nhờ tính chất làm se của trái ổi và lá ổi.

Công dụng khác

Vỏ cây được sử dụng trong quá trình thuộc da nhờ có hàm lượng tannin cao.[10]